Skip to main content
[LEARN]

HIỂU VỀ HUMAN BRAND

CLASS12

hay những gì cần biết về con người thương hiệu

Bối cảnh

Từ rất lâu về trước, xây dựng thương hiệu thời trang chỉ gói gọn trong việc quảng cáo sản phẩm – một hoạt động đơn thuần đầy tính chất giới thiệu. Tất cả những gì chúng ta cần làm là nói về sản phẩm một cách thuyết phục cùng với vài lời bảo chứng từ những người có ảnh hưởng (diễn viên, ca sĩ,..), cuối cùng phát hành nội dung đó trên phương tiện truyền thông duy nhất – báo và tạp chí.

Khi các phương tiện truyền hình phổ biến hơn, sự kết hợp giữa hình ảnh và âm thanh giúp người làm thương hiệu truyền tải đến tận cùng những khao khát về tình yêu, hạnh phúc hay sự tự hào của việc sở hữu sản phẩm. Tuy nhiên sự giới hạn của kênh media lúc bấy giờ khiến khách hàng tiếp nhận thông tin hoàn toàn bị động, các nhà quảng cáo và làm thương hiệu thoải mái truyền tải thông điệp tới khách hàng cho dù họ muốn hay không. Có lẽ chúng ta không thể quên được mẫu quảng cáo kinh điển “Hồng Ngọc chuyên comple, chuyên áo dài” trong những năm đầu thập niên 90, đơn giản vì chúng ta không có lựa chọn tiếp nhận thông tin nào khác.

[funfact] Dường như thương hiệu Hồng Ngọc là một trong những thương hiệu đầu tiên tạo nên khái niệm giờ vàng khi luôn xuất hiện vào đúng 18h và sau đó là 19h hàng ngày – khi tất cả gia đình đều ăn tối và xem TV

Cho tới khi internet xuất hiện mang theo sự đa dạng về tin tức và cách thức người tiêu dùng tiếp nhận thông tin, các công thức quảng cáo cũ dần trở nên lạc hậu trước sự phổ cập nhanh như vũ bão của công nghệ. Internet với lượng thông tin khổng lồ khiến người tiêu dùng trở nên thông minh hơn, và đặc biệt vị thế của người tiêu dùng đã hoàn toàn khác, họ không chỉ tiêu thụ thông tin mà còn trực tiếp tác động tới thông tin.


Sự bùng nổ của Iphone và mạng xã hội như phương tiện giúp khách hàng có thể sàng lọc những thông tin thực sự phù hợp với sở thích và nhu cầu, những thành công từ loại hình quảng cáo nhồi nhét trước đây nhanh chóng giảm tác dụng do người dùng hoàn toàn có thể loại bỏ những gì họ không mong muốn. Tiếp thị và truyền thông qua các kênh influencer và kols trở nên phổ biến vì khách hàng thực sự có thể liên tưởng ước mơ của họ tới một hình mẫu thực tế. Đã qua thời kỳ đề cao tính chức năng của trang phục, thời trang ngày nay là phương tiện nhanh nhất để người tiêu dùng có thể kể câu chuyện của họ, về lối sống, phong cách, về ước mơ và cả về giá trị bản thân đang theo đuổi còn thương hiệu thời trang đồng hành như một sự minh chứng trong mỗi câu chuyện (nội dung) của người tiêu dùng

HUMAN BRAND

Như vậy thương hiệu không còn chỉ nói về sản phẩm, hay khai thác cảm xúc nhu cầu khách hàng và dừng lại ở những giá trị xã hội chung. Thương hiệu ngày nay còn phải trở thành một thực thể sống động với những suy nghĩ sống động và thể hiện những giá trị khách hàng mong muốn nhận được khi đặt thương hiệu của bạn vào lối sống họ hướng tới. Ở chiều ngược lại, chính hình mẫu thương hiệu sẽ định hình lối sống cho khách hàng trung thành.

Với trung tâm là Human Brand, người làm thương hiệu sẽ có cơ sở để xây dựng lộ trình phát triển thương hiệu từ Triết Lý thương hiệu (mục đích, tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi) cho tới định vị cũng như thông điệp truyền thông.

CÁC NGUYÊN MẪU (ARCHETYPES)

Một sự nhận diện mạnh mẽ chắc chắn là nền tảng để thương hiệu phát triển dài hơi và bài bản, các thương hiệu lớn đổ rất nhiều tiền vào công cuộc xây dựng nhận diện thương hiệu để tạo dấu ấn trong lòng khách hàng, tuy nhiên hầu hết các thương hiệu đều rơi vào tình trạng không đồng nhất giữa sản phẩm – hình ảnh – truyền thông – trải nghiệm mua hàng –  đấy là kết quả của việc thương hiệu thiếu đi linh hồn. Để đạt được điều này, những người làm thương hiệu có thể học theo các nguyên mẫu được nghiên cứu và phát triển bởi nhà tâm lý học Carl Gustav Jung (1875 – 1961).

IMG_2250.png

Trong các công cụ marketing, có nhiều cách để xây dựng cá tính cho thương hiệu, nhưng khuôn khổ tâm lý của Carl Jung đặc biệt phù hợp với ngành thời trang do dễ dàng được gợi nhớ từ những gì xảy ra trong cuộc sống hàng ngày từ sách báo, phim, truyện, văn hoá giải trí… – 12 nguyên mẫu được xây dựng từ mong đợi và mục đích sống từ chính chúng ta. Phát triển thương hiệu bằng cách kết hợp các hình mẫu nguyên bản, người làm thương hiệu có thể nhất quán trong việc đưa ra mục đích, sứ mệnh và giá trị cốt lõi cũng như xác định được các yếu tố nhận diện phù hợp. Như Diesel – một thương hiệu điển hình cho hình mẫu Outlaw để nói về xã hội, về xu hướng, trên cái nhìn của kẻ nổi loạn. Đồng thời thương hiệu cũng dễ dàng lựa chọn những gương mặt đại diện phù hợp để tạo sự liên kết với khách hàng.

NHỮNG HÌNH MẪU ĐỀ CAO CÁI TÔI (EGO)

The Ruler – The Hero – The Outlaw

Táo bạo, mạnh mẽ, tự tin (Bold, powerful, self-confident) – các thương hiệu dựa trên ba nguyên mẫu này luôn tin vào năng lực của bản thân và thể hiện bằng các thông điệp khích lệ xã hội vượt qua những khó khăn để dành được thành tựu. Trong khi The Ruler đề cao sự tinh giản (Simplicity) , The Hero luôn muốn đạt được những thứ người khác không thể (nothing’s impossible) thì The Outlaw luôn mang trong mình sứ mệnh thay đổi thế giới (revolution).

Những thương hiệu phát triển theo hình mẫu The Ruler thường thể hiện sự vượt trội của mình so với đối thủ cạnh tranh, nhằm làm nổi bật năng lực với mong muốn khiến khách hàng ngưỡng mộ hình ảnh đầy quyền lực mà họ tạo ra. Với đích đến là những điều tốt nhất của tốt nhất, The Ruler thường được xem là một hình mẫu hướng tới sự hoàn hảo và cầu toàn. Mang trong mình dáng dấp của The Ruler, thương hiệu Wephobia qua rất nhiều năm luôn tập trung vào yếu tố chỉn chu trong quá trình hoàn thiện sản phẩm và đề cao sự hoàn mỹ, tính chuyên nghiệp từ truyền thông, nhận diện cùng trải nghiệm khách hàng.

Cùng có những phẩm chất tương tự về sức mạnh và sự tự tin, nhưng the Hero đề cao sự can đảm hơn tính kiểm soát. Được xem là một người chiến thắng và thành công, the Hero có trong mình sự kiêu ngạo cùng một tính cách mạnh mẽ. Nike – 1 hình mẫu thương hiệu điển hình của nguyên mẫu này với kẻ thù là sự lười biếng, chần chừ. Nike nhấn mạnh tính cách của mình bằng các thông điệp vượt lên chính mình và xa hơn nữa là phá vỡ giới hạn của mình (một trong những “kẻ thù” của Nike). Campaign Dream Crazy với các nhân vật luôn tìm kiếm thành công sau những thành công vang dội của chính họ trong quá khứ đã thể hiện rất nhiều phẩm chất của Nike – THE HERO

blog-archetype-hero.jpeg

Khác hẳn với The Ruler và The Hero, những thương hiệu Outlaw điển hình luôn trình diễn những thông điệp gây shock, đầy tính cách mạng với mong muốn thay đổi, họ đạt câu hỏi xem xét mọi thứ, đưa những quan điểm mới, suy nghĩ mới, định nghĩa mới (Campaign Be Stupid – Diesel) nhằm cải tổ lại thế giới.


NHỮNG HÌNH MẪU CỦA SỰ HÀI HOÀ (SPIRIT)


The Caregiver – The Innocent – The Regular Guy

Mặc dù rất khác nhau nhưng các nguyên mẫu này tình cờ đều mang trong mình sự ấm áp, tình cảm, chan hoà không cố gắng tạo ra sự biến động hay muốn mình trở nên nổi bật. Câu chuyện của họ xoay quanh cuộc sống nhẹ nhàng, mềm mại và tự nhiên.

Được xem như là thương hiệu điển hình cho sự bao dung và tình thương, The Caregiver luôn thể hiện lòng tin, tình yêu với trái tim rộng mở, hướng đến việc chăm lo cho cuộc sống, hầu hết các thương hiệu dành cho trẻ em đều dựa trên tính cách của hình mẫu này, chính vì vậy ở một cách gọi khác không chính thức, The Caregiver còn được biết đến dưới cái tên – The Mother. #behappy – hashtag luôn xuất hiện dưới mọi campaign của Tủ Nhà Mây – thương hiệu luôn thể hiện không khí ấm áp, gần gũi, giản dị gắn với thiên nhiên và hạnh phúc giản đơn là một trong những thương hiệu được định hướng theo nguyên mẫu The Caregiver.

635663663090320537-toms2.jpeg


The Innocent với cái nhìn cuộc sống tràn đầy lạc quan và hạnh phúc, có thể không mang nhiều tính cạnh tranh nhưng rất nhiều thương hiệu mạnh trên thế giới được xây dựng trên nguyên mẫu này, nổi tiếng nhất phải kể đến Coca Cola với hàng loạt chiến dịch truyền thông gợi nhớ đến hạnh phúc và một thế giới mọi người đều yêu thương nhau, ngay cả khi chuyển sang thông điệp “Taste the Feeling” hệ tư tưởng của Coca Cola vẫn xoay quanh sự Hạnh Phúc. Trong ngành công nghiệp thời trang, H&M với tính cách trẻ trung, tích cực, vô tư là một ví dụ tham khảo cho những ai muốn xây dựng thương hiệu thời trang trên hình mẫu này.

IMG_2258.jpeg

Ở nguyên mẫu còn lại trong nhóm này, Regular Guy hay còn gọi là Everyman – một hình mẫu luôn đề cao sự bình đằng, không khoa trương và luôn biến mình thành một người bạn đồng hành ngang bằng với người tiêu dùng – các thương hiệu theo hình mẫu này luôn cố gắng trở thành một phần của cộng đồng và tránh biến mình trở nên nổi bật hay kỳ quặc. Theo đánh giá của người viết, Libe’ – một thương hiệu nổi bật trong những năm gần đây ở Việt Nam với hàng loạt hoạt động workshop gắn liền với khách hàng như workshop cắm hoa, workshop styling… Libe đã luôn đặt mình ở vị trí một người bạn tâm giao của khách hàng, sống cùng cuộc sống của khách hàng – quan tâm cùng mối quan tâm của khách hàng.

NHỮNG HÌNH MẪU HƯỚNG TỚI CỘNG ĐỒNG (SOCIAL – BELONG)

The Creator – The Sage – The Jester

Luôn mong muốn cuộc sống và con người trở nên tốt đẹp hơn bằng cách đóng góp sự sáng tạo (Creator), kiến thức (Sage) và niềm vui (Jester) – ba nguyên mẫu này luôn mang trong mình sứ mệnh phục vụ cộng đồng và mang đến những thứ có giá trị bền vững thông qua đầu tư chất xám vào nghiên cứu và đổi mới trong nỗ lực đảm bảo họ có trách nhiệm với xã hội hơn.

Một ví dụ điển hình trong xu hướng xây dựng thương hiệu bền vững với môi trường, những thương hiệu theo những nguyên bản này sẽ dễ dàng thuyết phục người dùng hơn những thương hiệu đặt nặng tính phá cách hay cái tôi cá nhân do giá trị cốt lõi của họ thuộc về những gì liên quan đến trách nhiệm với cộng đồng.

Xây dựng và đổi mới – được xem như nhiệm vụ chính của hình mẫu The Creator, các thương hiệu Creator luôn nhấn mạnh quá trình sản xuất, tính thủ công hay tư duy độc đáo của họ, những thương hiệu cao cấp như Hermes – không chỉ có những campaign xoay quanh dòng sản phẩm nổi tiếng và đề cao tính nghệ nhân trong quá trình thực hiện sản phẩm, họ còn luôn nhắc nhở người dùng về sự trường tồn của những sản phẩm mang tính biểu tượng như dòng túi Birkin . The Creator nhấn mạnh mỗi sự sáng tạo của họ luôn trở thành nguồn cảm hứng cho một sự phát triển lâu dài.

Một trong những nguyên mẫu hiếm khi được sử dụng cho các thương hiệu thời trang là The Sage – với mong muốn hiểu rõ về thế giới xung quanh thông qua việc chia sẻ kiến thức với mọi người , nguyên mẫu này có một vẻ ngoài chỉn chu và thực tế, thể hiện chiều sâu cảm hứng cũng như lý giải về cách thức làm ra sản phẩm để làm tăng giá trị cho khách hàng khi sử dụng thương hiệu của họ. Thật thú vị là một trong những thương hiệu cao cấp và xa xỉ như Prada lại được phát triển dựa trên hình mẫu này – trong khi hầu hết các thương hiệu khác đều tìm cách bắt kịp xu hướng chung thì Prada luôn tái định nghĩa thẩm mỹ của mình và biến chúng trở thành xu hướng

“My idea is always to avoid nostalgia”. The brand is rooted in art, culture and politics and each collection is designed to deliver a serious message. She explained: “I suppose I felt guilty not to be doing something more important, more political. So in a way I am trying to use the company for these other activities.”

Miuccia Prada


Jester – người hài hước – chắc chắn đây là hình mẫu mang lại nhiều niềm vui nhất, luôn đầy bất ngờ và tươi mới. Đây không phải là một hình mẫu dễ thực hiện bởi nó đòi hỏi sự thông minh và sâu sắc nhằm tìm ra sự hài hước trong cuộc sống và phản ánh lại vào thời trang. Moschino dường như trở thành điển hình cho sự hóm hình một cách sang trọng và thông minh, duyên dáng trong cách họ làm sản phẩm cũng như truyền thông.

NHỮNG HÌNH MẪU TÌM KIẾM SỰ TỰ DO

The Explore – The Magician – The Lover

Nếu The Explore là tự do khám phá, tìm kiếm những thế giới mới, The Magician là niềm tin vào năng lực không giới hạn, biến những điều không thể thành có thể thì The Love là tự do cho đam mê và tình yêu. Mặc dù có vẻ xa nhau nhưng các nguyên mẫu này tin rằng thế giới thông thường không dành cho họ và luôn tìm kiếm những vùng đất mới, những điều phi thường và thoát khỏi định kiến xã hội.

Mang trong mình ước mơ về một thế giới thú vị hơn hiện tại, thương hiệu The Explore luôn truyền tải ý nghĩa của sự khám phá, phiêu lưu và đề cao trải nghiệm. Thiên nhiên và những chuyến đi dường như là chủ đề phổ biến nhất trong các câu chuyện của họ.

Timberland với những sản phẩm đặc thù và tone màu bụi bặm luôn truyền cảm hứng cho khách hàng về tinh thần tự do, độc lập, cá nhân và nguyên bản. Hay Louis Vuiton với xuất phát điểm là công ty hành lý thì không có gì ngạc nhiên khi chủ đề truyền thông chính của hãng luôn lấy cảm hứng từ những vùng đất mới, bạn cũng sẽ lý giải được Campaign mới nhất của LV khi được quay tại Việt Nam.

Louis Vuitton’s idea of travel is in fact quite philosophical – it’s about the journey, not the destination. The concept was verbalised in one of the brand’s campaigns: “Return to a time when travel itself was a destination, getting there was not as important as the experience of going. There’s no such thing as a destination, because the journey never ends.”


Nếu The Explore tập trung vào trải nghiệm để nói lên tinh thần tự do thì The Magician lại nói đến sự biến đổi, phép màu và giấc mơ. Họ luôn tìm kiếm sáng tạo đột phát để thay đổi cuộc sống của người tiêu dùng, thách thức của họ là giấc mơ của chính họ. Không có nhiều thương hiệu thời trang phát triển từ hình mẫu này nhưng một ví dụ nổi tiếng cho The Magician là Master Card – “có những thứ tiền không thể mua được, có một thứ có thể mua được mọi thứ, đó là thẻ Master Card”.


Cuối cùng trong 12 hình mẫu kể trên, là hình mẫu được ưa dùng nhất trong ngành công nghiệp thời trang, trong nó có sự tự do, sắc đẹp, đam mê và luôn lấp đầy bằng cảm xúc – The Lover. Tất cả những gì The Lover làm là tạo ra sự tò mò và ham muốn, khao khát sở hữu, họ nuông chiều cảm xúc và đề cao sự hấp dẫn giới tính. GUCCI – trong hơn hai thập kỷ với GĐST Tom Ford  đã xây dựng xoay quanh hình mẫu này với phong cách táo bạo, khiêu khích cho tới ngày nay tuy tinh tế và lãng mạn hơn nhưng vẫn đầy tranh cãi và ngông cuồng.

TỪ NGUỒN CẢM HỨNG TỚI SẢN PHẨM

Khi đã hình dung thương hiệu như một con người, việc cần làm là phát triển nguyên mẫu của mình trên một nguồn cảm hứng lớn, nguồn cảm hứng này có thể là văn hoá, lối sống, nghệ thuật hoặc một tư duy đặc biệt (thường được thấy ở các nhà thiết kế). Chính nguồn cảm hứng này là nền tảng đầu tiên đưa tính unique vào nguyên mẫu để phát triển. Dựa vào nguồn cảm hứng để vạch ra những hình thái đầu tiên cho việc phát triển thương hiệu, bạn sẽ lý giải được mọi câu hỏi liên quan tới màu sắc, vật liệu, chữ viết, không gian, hay tất cả các yếu tố nhận diện thương hiệu – tất cả đều cần gợi nhớ tới nguồn cảm hứng bạn hướng tới. Và người viết có thể chắc chắn rằng Pinterest không phải là nguồn cảm hứng lành mạnh nhé.

[Tips] Xây dựng tạo hình cho thương hiệu thông qua việc tìm kiếm gương mặt đại diện tương đồng.

Để tránh rơi vào tình trạng vô hồn, người làm thương hiệu có thể nhanh chóng tìm một gương mặt đại diện phù hợp có sức ảnh hưởng không quá lớn nhưng phù hợp với nguyên mẫu và nguồn cảm hứng để tạo ra những nhận biết đầu tiên tới khách hàng (ấn tượng ban đầu vô cùng quan trọng). Thuật ngữ Gương mặt đại diện (Brand Ambassador) đã tồn tại rất lâu trong giới thời trang, vì đây là cách hiệu quả nhất để tạo nên mối liên kết có tính con người giữa thương hiệu và khách hàng. Hẳn các bạn chưa thể quên được sự ra mắt thành công của thương hiệu UptoSecond và hot Kol SunHT, bằng gương mặt đại diện này cùng sự đồng bộ ở điểm bán và hình ảnh, khách hàng có thể dễ dàng nhận diện một nhãn hàng thời trang hiện đại, tối giản dành đậm màu sắc Hàn Quốc và cho người trẻ.

Truyền tải thông điệp hay xây dựng Brand Stories là cách để diễn tả giả trị cốt lõi và sứ mệnh của brand bằng hình ảnh (visual). Đây là lúc các nguyên mẫu phát huy thế mạnh, dựa trên đặc điểm của mỗi hình mẫu và lý do nguyên mẫu tồn tại (Mục đích thương hiệu) chúng ta có thể dễ dàng xây dựng nội dung phù hợp và đồng bộ

Diesel với nguyên mẫu The Outlaw đã cho thế giới thấy những góc nhìn đầy khác biệt (điểm đặc thù của The Outlaw) về những vấn đề xã hội. Có thể kể đến hàng loạt campaign đã định hình nên thương hiệu như For Successful Living – truyền tải những thông điệp tích cực, nguyên bản trong một thế giới điên loạn, hay chính niềm vui cơ bản lại là sự khác biệt (outlaw) trong một thế giới hỗn độn. Be Stupid – bản tuyên ngôn không chấp nhận quy chuẩn của xã hội để sống một cuộc sống đáng sống.

images.jpeg


Smart listen to the Head – Stupid listen to the Heart

Smart has a Plans – Stupid has a Stories

Khiêu khích, thông minh và đầy thách thức – đó là tất cả những ý niệm được thể hiện xuyên suốt campaign của Diesel – và tất cả được xây dựng đồng nhất trên nguyên mẫu The Outlaw.


Giờ đây bạn có thể nhận ra việc thực hiện hình ảnh (hoạt động phổ biến và thường xuyên nhất cho quảng cáo thời trang) cần xuất phát từ nội dung – nội dung được xây dựng phù hợp với mục tiêu của nguyên mẫu. Sự kết hợp nội dung và tạo hình để đảm bảo sự khác biệt của thương hiệu thay vì chỉ chụp những hình ảnh theo thị hiếu chung và không có linh hồn.

Bắt nguồn từ nguyên mẫu, phát triển nhận diện trên nguồn cảm hứng rõ ràng (văn hoá, thẩm mỹ, lối sống) và truyển tải thông điệp qua nội dung thể hiện mục tiêu sống của nguyên mẫu dưới một tạo hình thú vị – 3 bước cơ bản nhất để xây dựng một thương hiệu con người, hành trình của người làm thương hiệu sẽ thuận lợi rất nhiều khi định hướng đúng ngay từ nguyên mẫu và sản phẩm phù hợp.

SẢN PHẨM CÓ TRƯỚC HAY THƯƠNG HIỆU CÓ TRƯỚC

Một cách thông thường nhất, chúng ta hoàn toàn có thể làm sản phẩm trước sau đó dựa vào sản phẩm để làm hình ảnh và nhận diện thương hiệu trên mong muốn của chính mình. Điều này không hề sai nhưng chứa đựng nhiều bất ổn do thiếu đi một cơ sở quy chiếu về sản phẩm (nguyên mẫu). Hầu hết mọi sản phẩm chúng ta muốn xây dựng đều bị ảnh hưởng từ những brand kinh điển trong một vòng quay lịch sử thời trang hiện đại hơn 100 năm. Và có thể hiểu rằng những gì chúng ta bị ảnh hưởng cũng bắt nguồn từ 1 trong 12 nguyên mẫu của Carl Jung – chính vì vậy người viết cho rằng sản phẩm và thương hiệu luôn đi song song và đan xen trong việc phát triển sản phẩm ngay từ ban đầu. Hãy cảm nhận nguyên mẫu đã truyền cảm hứng cho sản phẩm của mình để tiếp tục phát triển sản phẩm làm nổi bật tính cách của nguyên mẫu.

Sản phẩm là gốc gác của mọi thương hiệu, không có sản phẩm tốt mọi hoạt động branding đều chỉ thổi phồng những phẩm chất kém cũng như thiếu hụt về năng lực của người làm thương hiệu. Sản phẩm tốt không chỉ dừng lại ở chất lượng mẫu mã mà tự thân nó đã mang theo nguồn cảm hứng (văn hoá, thẩm mỹ, lối sống) dồi dào đủ để thuyết phục khách hàng.

BẮT ĐẦU TỪ CÁCH NGHĨ

Tạo ra vỏ bọc hay tạo hình cho nguyên mẫu không hề khó, cái làm thương hiệu của bạn khác biệt thực sự nằm ở những câu chuyện (thông điệp, lý tưởng, giá trị cốt lõi) được xây dựng bền bỉ trong một quá trình dài để biến hình mẫu nguyên bản trở thành con người của chính bạn. Để làm được điều này, trước hết các bạn hãy tự đặt mình vào một nguyên mẫu, học cách nguyên mẫu tư duy và phản ứng lại với xã hội, học cách nguyên mẫu giải quyết vấn đề, nhìn nhận cuộc sống cũng như cách nói cách nghĩ từ những việc nhỏ nhất.

12 hình mẫu nguyên bản vừa nêu trên là một trong những phương thức phân loại thương hiệu phổ biến nhất để nhân cách hoá thương hiệu của bạn. Nguyên mẫu bạn dựa vào sẽ quyết định cách thức giao tiếp với khách hàng (trải nghiệm mua sắm) cho tới tone & voice (truyền thông) và tìm kiếm những gương mặt đại diện cho thương hiệu của mình. Tới đây các bạn có thể hiểu cách tạo nên linh hồn cho thương hiệu qua nghiên cứu của Carl Jung, việc cần làm tiếp theo là tạo nên câu chuyện thương hiệu thật thú vị mà hình mẫu bạn vừa lựa chọn đóng vai trò trung tâm. Tất cả những yếu tố branding khác: nhận diện, hình ảnh, … sẽ đóng vai trò khơi gợi nên trí tưởng tượng của khách hàng về câu chuyện của bạn và nhân vật của bạn. Mục đích của việc phát triển theo 12 nguyên mẫu là gắn kết thương hiệu với động lực căn bản của con người, điều này sẽ thúc đẩy hành vi kết nối và tìm kiếm sự đồng điệu giữa khách hàng và thương hiệu, đây là nền tảng cho lòng tin và mối quan hệ bền vững mà bất kỳ người làm marketing hay brand manager nào cũng cần hướng tới.

Minh.

(Bài đăng trên #hashtag2 - chuyên đề thời trang)

---